Giới thiệu nội dung
Nam Bộ là vùng đất mới khai phá. Cộng đồng cư dân Nam Bộ là một tập hợp của nhiều vùng quê có gốc gác từ miền Trung, miền Bắc và một số nước khác. Sống nơi vùng đất mới với nhiều ưu đãi của đất trời, người Nam Bộ xưa và nay vẫn hoài nhớ về quê hương gốc gác, về ngôi đình, lũy tre, làng xóm và bao lễ lạc hội hè trong năm. Nỗi nhớ niềm thương tạo nên sức mạnh cho họ mạnh tiến vào công cuộc khai khẩn đất hoang, ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.
Khi đời sống vật chất đã không còn là nỗi ưu tư triền miên, người Nam Bộ lại quan tâm nhiều đến những hoạt động tinh thần, tâm linh. Việc cất đình, lập miễu và tạo ra những lễ hội truyền thống mang màu sắc địa phương không chỉ là những hoạt động của một bộ phận cư dân ở một làng quê cụ thể mà đã trở thành hoạt động văn hóa mang tính chât bảo tồn đời sống tinh thần, tâm linh.
Nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam trong toàn bộ tác phẩm của mình đã dành một phần cho những nghiên cứu về đình miễu và lễ hội dân gian ở miền Nam. Trong lần xuất bản nầy, Nhà xuất bản Trẻ xin giới thiệu với bạn đọc một tập tuyển các tác phẩm có liên quan đến hoạt động thờ cúng và lễ hội dân gian ở miền Nam với tựa đề chung là “Đình miễu và lễ hội dân gian miền Nam”.
“Đình miễu và lễ hội dân gian miền Nam” gồm có Đình miễu và lễ hội dân gian (NXB Đồng Tháp, 1994), Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam (NXB Trẻ, 1997), Lăng ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (NXB Long An, 1990) và Người Việt Nam có dân tộc tính không? (NXB An Tiêm, 1969). Đặc biệt tác phẩm Người Việt Nam có dân tộc tính không? Được viết nhân cuộc tranh luận khá sôi nôi giữa một bên là những người chủ trưong Âu Mỹ hóa mọi sinh hoạt cuộc sống ở Việt Nam với một bên là những người đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống lại sự xâm lăng về văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới diễn ra ở Sài Gòn trong nửa cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập sách “Đình miẽu và lễ hội dân gian miền Nam” của nhà văn Sơn Nam.