Giới thiệu nội dung
Nói về lão Khoa và chuyện Thượng Đế, khiến người nghe cảm thấy rùng mình. Không phải ai cũng có thể hầu Ngài được, chỉ có ông Tiên, bà Tiên hoặc các tu hành đắc đạo mới có thể cắp tráp theo Ngài. Lão Khoa lại là một người trần mắt thịt, tướng mạo xấu xí, mồm phồng mũi tẹt, tóc tai bờm xờm.
Người ta dễ nghi ngờ rằng lão già này có thể say rượu và nói nhảm, không khéo Ngài vật chết. Tuy nhiên, các Thượng Đế mà lão hầu không phải là Thần linh, họ ngự ngay trong cõi người. Những bài viết trong tập này được lấy từ chuyên mục Hầu chuyện Thượng Đế trong Tạp chí “Văn học và tuổi trẻ”, “Toán tuổi thơ” dành cho các bạn đọc học sinh phổ thông.
Có những bài viết được sửa chữa để phù hợp với yêu cầu khác nhau của xuất bản sách và tạp chí. Tuy nhiên, vẫn có những bài không đề số tạp chí và thời gian xuất bản. Một số bài được nới rộng dung lượng để giải thích rõ hơn.
Hầu chuyện Thượng Đế không phải là sân khấu riêng của ông Trần Đăng Khoa, để ông nói một mình, hay vừa ôm đàn vừa hát. Đây là một sân chung, dành cho các Thượng đế để giãi bày những vấn đề, những câu chuyện mà các Vị quan tâm.
Ông già này chỉ là người điếu đóm, hầu chuyện. Hay nói cách khác, ông là người rải chiếu mời "các cụ" đến ngự rồi bàn chuyện, như mẹ Đốp, bố Đốp ngày xưa! Chuyện gì hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của "các cụ".
Mà "các cụ" này đặc biệt lắm, không già cả, điếc lác như các thầy đề, thầy xã ngày trước. Có mấy cụ đã có tuổi, nhưng lại là các thầy, các cô giáo, hoặc những bạn đọc cần mẫn của Tạp chí Văn tuổi thơ. Các thầy cô thường quan đến những vấn đề lớn. Vì vậy, tập sách này mới có một số bài để hầu chuyện các thầy cô và các bạn đọc cao niên đáng kính nữa đấy. Còn hầu hết là các cụ trẻ. Mà trẻ lắm. Có "cụ" mới lẫm chẫm bước chân đến trường phổ thông với tâm hồn trong veo và trái tim tươi nõn! "Các cụ" còn gọi ông già này bằng anh, bằng chú, bằng bác, bằng ông. Thế ông mới sướng chứ!
Hầu chuyện Thượng Đế in lần đầu 2000 bản. Lần tái bản này, ông có bổ sung ba bài đã đăng Văn học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ, nhân đó sắp xếp thứ tự các bài thành từng cụm đề tài, để các VỊ dễ theo dõi hơn. Một số nhà văn nhà thơ có tên trong tập này, chủ yếu là có trong sách giáo khoa. Nhưng một số nhà thơ nhà văn rất nổi tiếng khác có trong sách giáo khoa mà không có trong tập này, vì ông Khoa không nhận được câu hỏi gửi đến của các vị Thượng Đế để ông có cớ mà hầu chuyện. Có thể là lần sau chăng? Đơn giản chỉ có vậy.
Nào, bây giờ, chiếu ông đã rải ra rồi! Xin mời các "Thượng Đế" xuống ngự và cho lời "chỉ giáo". Xin cứ tha hồ cật vấn! Nếu điều gì ông biết, ông sẽ thưa thốt. Còn không thì ông cũng xin "dựa cột" để nghe.