Giới thiệu nội dung
Trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, Thiền sư Nhất Hạnh đã dùng kỹ thuật hình thức truyện ngắn để trình bày vấn đề rất lớn liên quan đến cả đạo và đời. Tác giả đã đề cập đầy đủ, sâu sắc mọi khía cạnh tinh tế của vấn đề này thông qua những kinh nghiệm tu chứng và khuyên bảo độc giả bằng lối dẫn truyện lôi cuốn, phong phú. Tác phẩm kể về cuộc đời tu tập, hành đạo của một tu sĩ, một hành giả - được gọi là "chàng dũng sĩ" - với sự trợ giúp của hai bảo bối là Bảo Kiếm và Mê Ngộ Cảnh.
Thông qua ba lần soi kính Mê Ngộ Cảnh, tác giả đã đưa ra ba lãnh vực sống thực tiêu biểu trong xã hội: lớp "đạo sĩ" giả danh, loại "quan lại" tham ô, hại dân, và loại "đội lốt làm văn học nghệ thuật" mê muội, xa rời bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác giả đã mô tả tiến trình tâm lý của chàng dũng sĩ rất logic và xác thực, từ khởi đầu nồng nhiệt, thành tâm đến sau này trở thành "bóng một con yêu to lớn" vì quá tự mãn và lơ là việc thúc liễm thân tâm, sống không chánh niệm.
Về tác giả
[Sách của tác giả]Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình. Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI.
Sinh năm 1926 tại miền Trung Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia ở tuổi 16 tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế. Vào đầu những năm 50, khi còn là một tỳ kheo trẻ, Thiền sư đã tích cực dấn thân trong phong trào làm mới đạo Bụt. Người là một trong những tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tìm học thêm những môn tân học tại các trường đại học ở Sài Gòn và cũng là một trong những tu sĩ đầu tiên đạp xe đạp trên đường phố vào thời bấy giờ.