Giới thiệu nội dung
Cứ đúng mười hai giờ trưa chú Tâm Mãn, trịnh trọng trong chiếc áo năm thân màu lam, mang bình bát đựng cơm cúng Phật đặt lên bàn giữa của Tổ đường và nhắc tôi một câu:
– Đến giờ cúng ngọ rồi, thưa chú.
Nói xong chú mỉm cười nhìn tôi rồi lui xuống nhà dưới để lo buổi ngọ thực cho đại chúng. Tôi cũng mỉm cười hoan hỷ lại với chú và buông bút lông, xếp chồng kinh sách lại chỗ cũ để sửa soạn đi cúng dường.
Ở chùa, phận sự của tôi trong buổi trưa là dâng cơm cúng Phật. Chú Tâm Mãn thì lo phụ giúp dưới nhà trù và sau khi dọn trai phạn, chờ cúng Phật xong thì đánh ba tiếng bản hiệu lệnh để báo giờ ngọ thực.
Hôm nay chú Tâm Mãn mang bình bát lên với một nét mặt trầm tư. Nụ cười mọi hôm không còn nữa. Tôi đỡ lấy bình bát trên tay chú, nói lời cảm ơn, và nhìn chú trở lui xuống nhà dưới. Chúng tôi trang nghiêm và buồn bã hơn, vì một cái tang nhỏ đã xảy ra cho chúng tôi từ ngày hôm qua.
Trước đây nửa tháng, một hôm sau khi cúng Phật xong, tôi đi tắt những cây đèn nến trong chùa, Khi đến gần bàn Phật để tắt ngọn bạch lạp cắm trên cặp chân đèn đồng cao, tôi thấy từ trong bình bát nhảy ra một chú thằn lằn, miệng tha mấy hạt cơm. Đôi mắt sáng như hai chấm thủy tinh, nhìn tôi như hoảng sợ. Tôi không xua đuổi, nhưng chú thằn lằn cũng chạy mất về phía sau tượng Phật.
Về tác giả
[Sách của tác giả]Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình. Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI.
Sinh năm 1926 tại miền Trung Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia ở tuổi 16 tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế. Vào đầu những năm 50, khi còn là một tỳ kheo trẻ, Thiền sư đã tích cực dấn thân trong phong trào làm mới đạo Bụt. Người là một trong những tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tìm học thêm những môn tân học tại các trường đại học ở Sài Gòn và cũng là một trong những tu sĩ đầu tiên đạp xe đạp trên đường phố vào thời bấy giờ.