Giới thiệu nội dung
Vào một ngày Chủ Nhật cuối tháng 11 năm 2014, tôi nhận được bản thảo của cuốn sách "Muốn an được an" của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, được dịch từ bản gốc tiếng Anh "Being Peace" bởi Sư Cô Hội Nghiêm. Tôi ngồi vào bàn và ngay lập tức đọc nó.
Ngay từ những dòng đầu tiên, tôi đã phải đọc vài lần những lời của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu chúng ta không có hạnh phúc và bình an trong bản thân, thì chúng ta không thể trao tặng hạnh phúc và bình an cho bất kỳ ai khác, kể cả những người mà chúng ta yêu thương, những người chúng ta sống cùng trong một gia đình. Khi có bình an và hạnh phúc, chúng ta sẽ mỉm cười và tươi tắn như một bông hoa, và khi đó, tất cả mọi người xung quanh chúng ta, từ gia đình đến xã hội, đều được hưởng lợi."
Mỗi ngày, chúng ta trải qua rất nhiều trạng thái tâm lý. Thỉnh thoảng là hạnh phúc, thỉnh thoảng lại là đau khổ. Các cảm xúc đến với chúng ta như một con sông. Do đó, việc thiền tập là rất quan trọng. Thiền giúp ta tập trung, nhận thức được mỗi cảm xúc, thậm chí ôm ấp nó. Tôi luôn nhắc nhở bản thân để tập thiền như vậy. Tôi hiểu điều này nhờ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, người đã chỉ dẫn tôi cách tìm kiếm bình an trong chính mình cách đây 10 năm, từ năm 2005 khi tôi may mắn gặp gỡ ông.
Tôi đã nhận ra rằng thiền rất đơn giản, ta có thể thiền tại bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào trong ngày. Thiền không đồng nghĩa với việc đi vào rừng ẩn tu hay trốn tránh xã hội. Nếu chúng ta cùng nhau thiền mỗi ngày, cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ hơn và xã hội sẽ tràn đầy sức sống.
Muốn an thì có an. Vấn đề là ta phải muốn. Có hai thời điểm rất quan trọng mà tôi luôn nhắc tâm của mình bình an. Đó là đầu giờ sáng và trước khi ngủ. Tôi hay nhắc tâm an lạc, nhắc miệng mỉm cười thư giãn. Muốn an thì được an mà. Muốn hạnh phúc thì có ngay hạnh phúc mà. Hạnh phúc từ trong ta mới lâu mới bền, chứ hạnh phúc mang từ bên ngoài vào đến và đi nhanh lắm.
Đôi khi, bạn cũng như tôi, chúng ta quá bận rộn. Bận đến mức không dành thời gian cho người thân và bạn bè. Bận đến mức không có thời gian để ngắm cây, ngắm trời, ngắm hoa ngắm đất. Thậm chí quên mất chuyện thở và ta thở tự động như một cái máy, thở không có ý thức. Thật là tiếc. Bạn và tôi vẫn đang bị tập khí lôi cuốn. Bây giờ, đọc Muốn an được an rồi chúng ta luôn tự nhắc mình và nhắc nhau hai chữ bình an để tạo bình an cho chính mình.
Về tác giả
[Sách của tác giả]Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình. Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI.
Sinh năm 1926 tại miền Trung Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia ở tuổi 16 tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế. Vào đầu những năm 50, khi còn là một tỳ kheo trẻ, Thiền sư đã tích cực dấn thân trong phong trào làm mới đạo Bụt. Người là một trong những tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tìm học thêm những môn tân học tại các trường đại học ở Sài Gòn và cũng là một trong những tu sĩ đầu tiên đạp xe đạp trên đường phố vào thời bấy giờ.
Thông tin xuất bản
Công ty phát hành | Thái Hà Books |
Năm xuất bản | 2015 |
Số trang | 164 |